BỘ SƯU TẬP

KHÔNG THỂ KHÔNG ĐỌC VÀ KHÔNG THỂ KHÔNG THỰC HIỆN


NGUYỄN NHƯ HẢI
ĐT: 0977 177 837
Email: haitcns@gmail.com

* TÀI SẢN LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI LÀ SỨC KHỎE VÀ TRÍ TUỆ

* HÃY ĐỂ THỨC ĂN THÀNH THUỐC & THUỐC THÀNH THỨC ĂN


* VẬN ĐỘNG: Có thể thay thế được bất cứ loại thuốc nào.
Nhưng...
BẤT KỲ LOẠI THUỐC NÀO: Cũng không thể thay thế được sự vận động.


... Rất nhiều người CHẾT không phải do Số mệnh hay Bệnh tật, mà chết chì sự Thiếu Hiểu Biết về giữ gìn Sức Khỏe.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

CÁCH TÍNH TRỌNG LƯỢNG CƠ THỂ


1.Trọng lượng tiêu chuẩn và vấn đề béo phì

Hiện nay, vì có 2 quan niệm ngược nhau về thể hình, quan niệm thứ nhất cho rằng nên gầy một chút thì mới là cơ thể kiểu hình lý tưởng. Quan niệm này hiện đang được nhiều người chấp nhận, nhất là giới nữ ở những nước phát triển, mà điển hình là kiểu hình của “người mẫu thời trang”. Theo họ, nữ có thể hình càng gầy càng được cho là đẹp. Vì quan niệm này mà nhiều phụ nữ phải nhịn ăn để duy trì kiểu hình “gầy lý tưởng” của họ. Một quan niệm khác lại cho rằng béo là đẹp, nhất là béo ở trẻ em và phụ nữ, khi họ càng béo càng chứng tỏ khả năng kinh tế và thể hiện của sự “mạnh mẽ” về thể chất, những quan niệm này đang có ở các nước đang phát triển,  đặc biệt là ở châu Phi họ coi phụ nữ càng béo càng đẹp.

 Tình hình thừa cân - béo phì đang ngày càng tăng lên ở mức báo động trên khắp thế giới, sự thừa cân tăng lên cùng với sự gia tăng về mức độ tăng trưởng kinh tế. Ở các nước đang trong thời kỳ chuyển tiếp, khi kinh tế tăng trưởng lên thì tỷ lệ người béo phì tăng lên và suy dinh dưỡng giảm xuống. Ở giai đoạn đầu tỷ lệ béo tăng lên ở tầng lớp khá giả và sau đó sẽ tiếp tục tăng dần ở tầng lớp thu nhập thấp, ở thành thị tỷ lệ béo phì cao hơn ở nông thôn. Ở các nước đã phát triển, tỷ lệ béo phì tăng cao ở tầng lớp thu nhập thấp và ở nông thôn nhiều hơn thành thị. Ví dụ:  nước Mỹ tỷ lệ thừa cân ở tầng lớp dưới cao gấp 7-12 lần so vói tầng lớp cao...

 Đặc biệt là tình trạng béo phì trẻ em không ngừng gia tăng ở trên thế giới. Béo phì là yếu tố tạo nên nguy cơ của nhiều bệnh nan y ở người (cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường tuýp II, thừa mỡ trong máu, sỏi mật...), nếu béo phì mà bị từ tuổi nhỏ thì nguy cơ càng nặng hơn. Béo phì có thể được coi là nguyên nhân đầu tiên của sự xuất hiện nhiều bệnh mạn tính không lây kéo theo sau nó. Hậu quả này đang được quan sát thấy ở các nước đã và đang phát triển trên thế giới.

 Việc tính toán để biết và duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, phòng ngừa nguy cơ gây béo phì là điều hết sức cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi.

 2. Cách tính thể trọng tiêu chuẩn và mức độ béo phì.

2.1. Một số công thức tính thể trọng tiêu chuẩn ở người lớn

Thể trạng tiêu chuẩn ở người lớn được các nhà khoa học đưa ra nhiều công thức tính toán khác nhau, sau đây là một số công thức tính toán thông dụng hiện nay:

 2.1.1. Công thức Bruck

Công thức này được người Nhật Bản sử dụng.

Cân nặng lý tưởng (kg) = ( Chiều cao (cm) - 100) x 0,9

 2.1.2. Công thức Bongard

Cân nặng lý tưởng (kg) = (chiều cao(cm) x vòng ngực TB (cm) : 240)

 2.1.3. Công thức Lorentz

Cân nặng lý tưởng (kg) = T – 100 – (T –150/ N)

Trong đó: T là chiều cao (cm), N = 4 với Nam và N = 2 với Nữ.

Có thể nhìn vào bảng để biết cân nặng lý tưởng của mình như sau:

Bảng1: Số cân nặng lý tưởng tương ứng với chiều cao

 Bảng 1 chỉ áp dụng với người ở lứa tuổi 25-59 có bộ xương vừa phải. Với người có cỡ xương to thì cộng thêm 3-6 kg, với người có cỡ xương nhỏ thì giảm đi 3-6 kg.

2.1.4. Công thức do cơ quan bảo hiểm Mỹ đưa ra:

Cân nặng lý tưởng (kg) = 50 + 0,75 (chiều cao (cm) - 150)

 2.1.5. Công thức Broca:

Cân nặng lý tưởng (kg) = Chiều cao (cm) – 100

 2.1.6. Chỉ số Quetelet hay chỉ số khối lượng cơ thể:

Năm 1995 tổ chức Y tế thế giới khuyên dùng chỉ số khối lượng cơ thể (BMI: Body Mass Index) trước đây gọi là chỉ số Quetelet để nhận định về tình trạng dinh dưỡng cơ thể.

 BMI (kg/m2) = Cân nặng (kg) : ((chiều cao (m) x chiều cao (m)).

 Tháng 2 năm 2000, cơ quan khu vực Thái Bình Dương của tổ chức Y tế thế giới (WPRO) và Hội nghiên cứu béo phì quốc tế đã phối hợp với Viện nghiên cứu Bệnh đái tháo đường Quốc tế (IDI), Trung tâm Hợp tác dịch tễ học đái tháo đường và các bệnh không lây của tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khuyến nghị về chỉ tiêu phân loại béo phì cho cộng đồng các nước châu Á (IDI & WPRO, 2000) như sau:

 Bảng 2: Phân loại trạng thái dinh dưỡng ở người trưởng thành (20 - 69 tuổi) dựa vào chỉ số BMI cho các nước châu Á

 Ngoài ra để xác định là béo phì thì cần đo thêm bề dày lớp mỡ dưới da ở cơ tam đầu cánh tay, dưới xương bả vai hay ở mạng sườn trên mào chậu.

Các ngưỡng về chỉ số BMI vẫn thích hợp với những người già đến 69 tuổi, còn từ 70 tuổi trở lên nếu BMI > 30 mà không có biểu hiện của các bệnh mạn tính đang tiến triển thì vẫn nên duy trì cân nặng ở mức độ đó, không cần điều chỉnh để giảm béo.

 2.2. Cách tính thừa cân - béo phì ở trẻ em theo BMI

Thừa cân (overweight) là cân nặng vượt quá “cân nặng lý tưởng” hay cân nặng “nên có” so với chiều cao, béo phì (obese) là lượng mỡ được tích luỹ trong cơ thể không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

 Năm 1997 tổ chức Y tế thế giới đề nghị lấy điểm ngưỡng dưới 2 độ lệch chuẩn (- 2SD) của các chỉ số Cân nặng/tuổi (W/A), Chiều cao/tuổi (H/A) và Cân nặng/chiều cao (W/H) so với quần thể tham chiếu NCHS (National Ceter Health Stastic) để coi là suy dinh dưỡng (nhẹ cân) và chia ra các mức độ sau:

 Từ - 2SD đến > - 3SD là suy dinh dưỡng độ I (vừa).

Từ - 3SD đến > -4SD là suy dinh dưỡng độ II (nặng).

Từ < -4 SD là suy dinh dưỡng độ III (rất nặng)

Với thừa cân – béo phì, trong các điều tra sàng lọc, giới hạn ngưỡng để coi là thừa cân khi số Cân nặng/chiều cao ≥ + 2SD. Để coi là béo phì thì cần đo thêm bề dày lớp mỡ dưới da ở các vùng như cơ tam đầu cánh tay, dưới xương bả vai.... Tuy vậy, trong các điều tra cộng đồng nhằm để tìm hiểu và dự báo tình trạng dinh dưỡng thì chỉ cần dùng chỉ tiêu cân nặng/chiều cao là đủ để đánh giá, vì khi cân nặng/ chiều cao ≥ + 2SD thì đa số các em đều là béo phì.

 Đối với các em ở lứa tuổi thiếu niên (9-14 tuổi) khi mà chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) ≥ 85 percentin theo tuổi và giới là thừa cân. Nếu muốn xác định là béo phì thì cần đo thêm bề dày lớp mỡ dưới da. Tuy nhiên khi đánh giá tình trạng thừa cân béo phì trong cộng đồng, có thể coi mốc BMI ≥ 85 percentin theo tuổi và giới là mốc bắt đầu có nguy cơ béo phì. Cách đánh giá dựa vào bảng 3 như sau:

 BMI < 18,5: thiếu cân (suy dinh dưỡng)

BMI ≥ 85 percentin: Thừa cân (Nguy cơ béo phì).

BMI ≥ 90 percentin: Béo phì độ I (nhẹ).

BMI ≥ 95 percentin: Béo phì độ II (Vừa).

 Bảng 3. Chỉ số BMI ở lứa tuổi 9-14 theo percentin

 * Với các chỉ số W/A, H/A và W/H khi dùng để phân loại các trạng thái dinh dưỡng thì cần phải có

bảng “Kích thước nhân trắc tham khảo” của quần thể NCHS, trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi không giới thiệu ra ở đây.

2.3. Tính cân nặng tiêu chuẩn của trẻ em bằng các cách khác:

2.3.1. Với trẻ em từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi:

Cân nặng lý tưởng (kg) = Cân nặng sơ sinh (kg) + Số tháng tuổi x 0,6

Ví dụ: Một em khi mới sinh có cân nặng 3,0 kg, sau 3 tháng số cân cần có là: 3,0 kg + (3 x 0,6) = 3,0 x 1,8 = 5,4 kg. Sau 5 tháng số cân cần có là 9,0 kg.

2.3.2. Với trẻ từ 7 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi:

Cân nặng lý tưởng (kg) = Cân nặng sơ sinh (kg) + 3,6 + 0,5 x (Số tháng tuổi x 0,6)

Ví dụ: Một em khi mới sinh nặng 3,0kg sau 8 tháng tuổi số cân nặng cần có sẽ là: 3,0kg + 3,6 + 0,5 (8 x 0,6) = 6,6 + 2,4 = 9,0 kg.

2.3.3. Với trẻ từ 2 – 12 tuổi:

Cân nặng lý tưởng (kg) = 8 + (số năm tuổi x 2).

Ví dụ: Một em tròn 5 tuổi, số cân nặng cần có là:

8 + (5 x 2) = 18 (kg).

Để đánh giá mức độ béo phì ta dùng công thức tính % độ béo như sau:

Độ béo (%) = (Cân nặng thực tế - Cân nặng tiêu chuẩn): Cân nặng tiêu chuẩn x 100

Phân loại mức độ béo:

Bình thường: Cân nặng tiêu chuẩn ± 10% độ béo.

Thừa cân: Cân nặng tiêu chuẩn > 10% - 20% độ béo.

Béo phì độ I: Cân nặng tiêu chuẩn > 20% - 30% độ béo.

Béo phì độ II: Cân nặng tiêu chuẩn > 30% - 50% độ béo

Béo phì độ III: Cân nặng tiêu chuẩn > 50% độ béo.

3. Một vài điều lưu ý

Trên đây là một số cách tính toán để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của cá nhân, mỗi phương pháp đều có một ý nghĩa nhất định và đều có giá trị để nhận định tình trạng dinh dưỡng.

 Một cá nhân muốn kiểm tra tình trạng dinh dưỡng của mình có thể dùng một vài cách đánh giá như trên để so sánh và rút ra kết luận cho bản thân.

 Trong nghiên cứu người ta thường dùng phương pháp so sánh độ lệch chuẩn dựa trên kích thước nhân trắc tham khảo NCHS đối với trẻ nhỏ từ sơ sinh tới 8 tuổi. Trẻ từ 9 tuổi trở lên sử dụng bảng BMI theo percentin theo tuổi và giới (bảng 3) để phân loại trạng thái dinh dưỡng. Ở người trưởng thành việc phân loại thường sử dụng chỉ số BMI (bảng 2).

 Trong điều tra béo phì với các yếu tố nguy cơ, nhằm để xác đinh mối quan hệ giữa béo phì với các yếu tố do béo phì gây ra, người ta thường lấy BMI ở mốc từ ≥ 25 trở lên và kết hợp với đo bề dày lớp mỡ dưới da. Khi bề dày lớp mỡ dưới da ở những điểm đo được quy định ≥ 90 percentin cùng với BMI như trên được coi là béo phì ở người trưởng thành.

 Cần lưu ý thêm tỷ số vòng bụng/ vòng mông khi vượt quá 0,9 ở Nam và 0,8 ở Nữ thì các nguy cơ

tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường đều tăng lên rõ rệt.

 Th.S Nguyễn Điểm
Trường Đại học Quy Nhơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét